Nằm giữa núi rừng xanh ngắt, những ngôi nhà đất của đồng bào Dao ở huyện Đầm Hà tô điểm cho không gian bản làng đẹp như một bức tranh.

Ngôi nhà của ông Chề Quắn Quay, 78 tuổi, ở bản Tán Trúc Tùng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà sau khi được đoàn viên thanh niên giúp sửa chữa.

Nhà trình tường gắn với cuộc sống của người Dao, được xây dựng nên từ sự sáng tạo của bà con, có những đặc điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên và từ những vật dụng thân thiết với môi trường sống quanh họ. Môi trường sống ở trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt tác động sâu sắc đến kiến trúc, cách thức xây nhà. Vậy nên, ngôi nhà trình tường của đồng bào Dao thường được làm bằng đất, lợp ngói âm dương với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè vừa thuận tiện cho sinh hoạt, chống được thú dữ.

Nhà trình tường được đồng bào Dao làm từ chính những vật liệu sẵn có ở môi trường sống xung quanh. Ngoài phần móng vững chãi kè bằng đá có thể nhô cao hơn mặt sân, những phần còn lại trong ngôi nhà người Dao toàn bằng đất nhưng tường nhà được làm khá cẩn thận, cầu kỳ. Mái nhà trình tường được lợp bằng ngói âm dương theo kết cấu sấp – ngửa đan xen. Kết cấu này giúp hấp thụ nhiệt rất tốt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Đa phần các ngôi nhà trình tường người Dao đều theo một kiểu kết cấu, nhưng khác về kích thước to, nhỏ tuỳ điều kiện.

Bên cạnh kiểu nhà đắp trực tiếp đất lên tường nhà thì còn có một loại nhà trình tường xây bằng gạch đất không nung. Gạch đất xây xong thành tường rồi bà con để nguyên viên gạch mà không hề trát vữa bao phủ bên ngoài. Vì làm bằng đất, không thể chịu được nước mưa xối trực tiếp vào nên địa điểm xây nhà phải là nơi cao ráo, khuất gió, gần nương và nguồn nước để tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Kỹ thuật xây dựng nhà thể hiện sự khéo léo, tài tình của người Dao. Nếu bảo quản tốt, tránh nước mưa xâm hại thì tuổi thọ của nhà trình tường có thể đạt 30-50 năm.

Gian bếp được đặt liền kề với ngôi nhà cũng làm bằng gạch đất không nung.

Nhà ông Chề Quắn Quay, 78 tuổi, ở bản Tán Trúc Tùng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà là ngôi nhà được xây bằng gạch đất, đóng thành khuôn nhưng không nung. Qua khảo sát cho thấy, ngôi nhà của ông Chề Quắn Quay là điển hình cho kiểu nhà truyền thống gạch đất của người Dao Đầm Hà. Ngôi nhà có diện tích rộng 150m2, được xây bằng gạch đất, khung bằng gỗ và tre, mái lợp ngói âm dương màu đen.

Gạch xây nhà lấy từ bùn ở ruộng hoặc là đất sét. Sau khi gặt lúa vụ mùa xong, người ta thả nước vào ruộng ngâm thật ngấu, sau đó dùng trâu để trục đất cho nhuyễn, đóng từng viên theo khuôn làm ra đủ số gạch cần cho việc xây nhà. Đồng bào không dùng vữa vôi hay vữa xi măng cát như xây nhà bằng gạch nung của người Kinh mà chất kết dính các viên gạch cũng làm từ bùn ở ruộng được nhào thật nhuyễn. Thông thường, ngôi nhà của người Dao có kết cấu theo một chỉnh thể chung gồm có ba gian. Nơi sinh hoạt gia đình thường được bố trí ở giữa, hai bên là các gian ngủ. Thóc sẽ được để khu riêng hoặc để ở tầng lửng, đựng trong các bồ rất lớn đan bằng tre.

Nhiều vật dụng sinh hoạt và nông cụ sản xuất được ông Quay gìn giữ.

Ngôi nhà của ông Chề Quắn Quay đã xuống cấp, hệ thống mái che bị mục, có nguy cơ sụp đổ, chủ hộ tuổi cao, sức yếu, không có điều kiện sửa chữa. Bởi vậy, Đoàn khối các cơ quan tỉnh, Ban Liên lạc cựu cán bộ đoàn dân chính Đảng tỉnh qua các thời kỳ và Huyện Đoàn Đầm Hà đã phối hợp thực hiện với tổng giá trị 70 triệu đồng để trùng tu. Trong đó, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Ban Liên lạc cựu cán bộ đoàn dân chính Đảng tỉnh qua các thời kỳ hỗ trợ 50 triệu đồng. Kinh phí đối ứng ủng hộ bằng ngày công của thanh niên địa phương tại huyện Đầm Hà là 20 triệu đồng.

Chị Vũ Thị Thuỳ Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh, cho biết: Ngôi nhà sau khi được tu sửa sẽ là nơi tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người Dao. Chúng tôi hy vọng, đây cũng sẽ là địa chỉ du lịch cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số.

Là nơi lưu giữ những vật dụng sinh hoạt, nông cụ sản xuất, phong tục tập quán và tri thức dân gian, những ngôi nhà truyền thống của người Dao cần được gìn giữ, bảo tồn, trở thành những “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc Quảng Ninh.